Các thẻ phạt trong thi đấu cầu lông bạn đã nắm rõ hay chưa?
Khi tham gia bất kỳ môn thể thao nào nói chung và cầu lông nói riêng, bạn điều phải nắm rõ các quy định về lỗi vi phạm. Tuy nhiên, dù là môn thể thao cực kỳ phổ biến, được xem là môn thể thao quốc dân nhưng trên thực tế không phải người chơi cầu lông nào cũng nắm rõ các quy định về lỗi vi phạm. Điều này khiến cho người chơi có thể bị trừ điểm một cách đáng tiếc.
Bên cạnh đó, luật chơi, lỗi vi phạm và các vấn đề liên quan đến bộ môn cầu lông đã được quy định chi tiết trong Bộ luật Liên đoàn Cầu lông Thế giới. Vì thế, hiện nay, cầu lông đã trở thành môn thể thao phổ biến trong đời thường lẫn các giải đấu hấp dẫn với các quy tắc rõ ràng.
Vậy nên bạn hãy bổ sung cho mình những kiến thức về lỗi trong cầu lông để tránh được những lỗi này trong quá trình thi đấu.
Các lỗi vi phạm luật chơi cầu lông thường gặp
Trong Bộ luật do Liên đoàn Cầu lông Thế giới ban hành có liệt kê rất nhiều lỗi vi phạm khi chơi cầu lông. Nhưng nhìn chung, các lỗi này thường được chia thành 3 nhóm nhỏ, bao gồm: lỗi giao cầu, lỗi nhận cầu và lỗi khi đánh cầu qua lại.
Một số lỗi giao cầu thường gặp: Giao cầu có thể được xem là một trong những phần có nhiều quy tắc nhất trong bộ môn cầu lông. Dưới đây là những lỗi giao cầu mà bạn thường gặp:
Trì hoãn quá trình giao cầu dù đã sẵn sàng
- Trong cầu lông, khi cả 2 bên đã sẵn sàng thì không bên nào được phép thực hiện các hành động gây trì hoãn việc giao cầu.
- Lỗi trì hoãn quá trình giao cầu thường chỉ được áp dụng cho những trận đấu có sự hiện diện của trọng tài, tức là những trận đấu cầu lông chuyên nghiệp. Việc xử lý lỗi này không được thực hiện ngay lập tức. Ở lần đầu tiên, trọng tài sẽ cảnh cáo đối tượng vi phạm bằng lời nói.
- Sau đó, nếu người này vẫn tiếp tục trì hoãn, trọng tài có thể cân nhắc phạt cảnh cáo bằng thẻ vàng. Nếu vi phạm lần thứ 3, trọng tài sẽ phạt thẻ đỏ và lúc này 1 điểm được cộng cho phía đối thủ.
Trì hoãn động tác giao cầu
- Khi vợt của bạn có những chuyển động đầu tiên về phía quả cầu thì đây được xem là khởi đầu cho 1 cú giao cầu. Nếu đã di chuyển vợt về phía sau, bạn cần thực hiện việc giao cầu ngay lập tức.
- Trong cầu lông, việc giao cầu phải được thực hiện liên tục và liền mạch. Bạn có thể thay đổi tốc độ giao cầu, tuy nhiên không được dừng lại trong suốt quá trình này.
Giẫm lên các đường biên và vạch kẻ
- Dù là người giao hay nhận cầu, bạn đều không được phép giẫm lên các đường biên hoặc vạch kẻ quanh khu vực giao/nhận cầu.
- Trong đánh đôi, đồng đội của bạn hoặc đồng đội của đối thủ có thể đứng trên các đường biên này, chỉ cần không che khuất tầm nhìn của người nhận cầu là được.
Chân nhấc lên khỏi mặt đất
- Theo quy định trong Bộ luật cầu lông, hai lòng bàn chân của bạn không nhất thiết phải chạm đất hoàn toàn. Tuy nhiên, bạn cần đảm bảo 1 bộ phận nào đó của cả 2 chân phải chạm sàn ở một vị trí cố định trong suốt quá trình giao cầu. Điều này giúp phòng tránh việc bạn có thể nhảy lên cao hoặc di chuyển gần lưới hơn để giao cầu.
Không đánh vào phần đế của quả cầu khi giao
- Nhiều người tự hỏi tại sao điều này lại bị tính là vi phạm lỗi giao cầu. Việc đánh vào phần lông của quả cầu sẽ khiến người nhận gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đánh trả.
- Vì vậy, Liên đoàn Cầu lông Thế giới đã đưa quy định này vào bộ luật của mình. Bạn chỉ bắt buộc phải đánh vào phần đế của quả cầu khi giao cầu. Ở những lần trả cầu sau, bạn có thể đánh vào lông cầu.
Giao cầu ở vị trí trên thắt lưng
- Thắt lưng trong cầu lông được định nghĩa là đường tưởng tượng xung quanh cơ thể, ngang với phần xương sườn dưới cùng của người giao cầu. Bạn phải giao cầu ở vị trí dưới thắt lưng để hạn chế việc đập cầu hoặc giao cầu cao tay.
- Theo Bộ luật cầu lông mới, việc giao cầu cũng phải được thực hiện ở độ cao dưới 1,15 mét tính từ mặt đất để tránh sự khác biệt về vị trí thắt lưng giữa người cao và người thấp.
Đầu vợt không hướng xuống
- Đây là một trong những lỗi thường gặp ở người mới tập chơi cầu lông, đặc biệt khi họ thực hiện các cú giao cầu ngắn trái tay.
Sử dụng các chuyển động dừng khi giao cầu
- Quy tắc này giúp đảm bảo rằng cú giao cầu được thực hiện trong một chuyển động duy nhất. Nó giúp ngăn ngừa việc người giao cầu thực hiện các chuyển động kép giả để đánh lừa người nhận cầu, khiến họ di chuyển trước khi cầu được đánh đi, từ đó làm người nhận cầu phạm lỗi và mất điểm.
Đánh cầu ra ngoài
- Nếu quả cầu bay khỏi khu vực nhận cầu dù không bị tác động gì, cầu được xem là bị đánh ra ngoài và người nhận cầu sẽ được 1 điểm.
Đánh trượt
- Nếu người giao cầu di chuyển vợt nhưng đánh trượt quả cầu thì đây được tính là một lỗi. Tuy nhiên, nếu họ vô tình làm rơi cầu trong lúc chưa di chuyển vợt thì không bị tính là lỗi giao cầu.
Cầu mắc vào lưới
- Nếu quả cầu mắc kẹt trên đầu hoặc trong lưới sau lượt đánh của bạn thì bạn xem như đã mắc lỗi giao cầu, vì lúc này, cầu không đáp đúng vào khu vực nhận cầu của đối thủ.
Cản trở đối thủ nhìn thấy cầu
- Khi bạn giao cầu, đối thủ có quyền được nhìn thấy quả cầu và đường cầu bay. Nếu đồng đội của người giao cầu đứng ở vị trí che mất tầm nhìn của người nhận cầu thì đây được tính là vi phạm luật chơi cầu lông.
- Lỗi này thường chỉ xảy ra đối với hạng mục đánh đôi. Tuy nhiên, dù trong đánh đơn, nếu bạn cố ý che khuất tầm nhìn của người nhận thì vẫn bị tính là phạm lỗi.
Một số lỗi nhận cầu thường gặp
Không phải chỉ có người giao cầu mà người nhận cầu cũng có thể mắc lỗi. Dưới đây là một số lỗi nhận cầu thường gặp:
Trì hoãn việc nhận cầu dù đã sẵn sàng
- Trong cầu lông, tốc độ của trận đấu được xác định dựa vào người nhận cầu. Chỉ khi người nhận cầu sẵn sàng, người giao cầu mới được thực hiện cú đánh của mình.
- Vì vậy, người nhận cầu phải ở tư thế sẵn sàng trong một khoảng thời gian hợp lý. Khi đã sẵn sàng, người nhận cầu không được thực hiện bất cứ hành động nào nhằm trì hoãn việc giao cầu.
Giẫm lên các đường biên và vạch kẻ
- Bạn có thể đứng ở bất kỳ vị trí nào bên trong phạm vi nhận cầu được quy định, tuy nhiên không được phép giẫm lên các đường biên hoặc vạch kẻ xung quanh.
Di chuyển trước khi đối thủ giao cầu
- Theo quy định, một phần của cả 2 chân người nhận cầu phải chạm đất từ khi người giao cầu di chuyển vợt cho đến khi quả cầu được đánh đi. Nếu di chuyển trước khi cầu được giao, người nhận sẽ vi phạm luật chơi cầu lông.
Cố gắng đánh trả một cú giao cầu khi chưa sẵn sàng
- Như chúng tôi đã đề cập ở lỗi trước đó, tốc độ của trò chơi được xác định dựa vào người nhận cầu. Nếu cầu được giao khi người nhận chưa sẵn sàng, trọng tài sẽ cân nhắc đến việc cho phép giao cầu lại. Tuy nhiên, đó là trong trường hợp người nhận cầu không cố gắng đánh trả lại cú giao cầu đó.
- Dù trong bất kỳ tình huống nào, nếu đã có hành động đón cầu thì bạn luôn được xem là đã sẵn sàng. Vậy nên khi bạn đánh hỏng cầu, điểm sẽ được tính cho đối thủ.
Sai người nhận cầu trong đánh đôi
- Trong đánh đôi, chỉ những thành viên đứng ở khu vực chéo với người giao cầu mới có quyền đánh trả cầu. Trong trường hợp thành viên nhận cầu không đón được pha giao cầu, đồng đội của họ cũng không được phép đón cầu thay, nếu không sẽ bị tính là phạm lỗi.
Các lỗi khi đấu cầu trong cuộc
Đánh cầu ra ngoài sân
- Khi quả cầu rơi ra ngoài các đường biên thì người đánh bị tính là phạm lỗi. Đây là một lỗi rất thường gặp do người chơi kiểm soát chưa chính xác lực đánh hoặc hướng bay của cầu.
Cầu không qua lưới
- Bạn thường mắc lỗi này trong nhiều tình huống khác nhau, đặc biệt là khi không có khả năng đánh trả cầu hoặc đánh cầu quá nhẹ, không đủ lực để cầu bay sang phần sân đối thủ.
Cầu rơi vào người đấu thủ hoặc các vật xung quanh
- Dù là vô tình hay cố ý, quả cầu cũng không được phép chạm vào các vật dụng trong sân cầu, cơ thể hoặc quần áo của bất kỳ người nào. Ngay khi cầu chạm vào 1 trong số các vật nêu trên, bạn sẽ bị tính lỗi ngay.
Chạm cầu 2 lần
- Trong đánh đơn, lỗi chạm cầu hai lần được xác định khi một người chơi chạm cầu hai lần trước khi cầu được đánh sang sân đối thủ. Lỗi chạm cầu 2 lần cũng có thể gặp trong đánh đôi khi hai thành viên trong 1 đội cùng chạm cầu trước khi cầu được đánh qua lưới.
Người chơi chạm vào lưới hoặc cọc lưới
- Theo luật, người chơi không được phép chạm vào lưới hoặc cọc lưới bằng vợt, thân người hoặc quần áo. Lỗi này thường xảy ra khi người chơi cố gắng đón một đường cầu gần lưới hoặc cố lao về phía trước khi thực hiện một cú đập cầu. Tuy nhiên, nếu bạn chạm lưới khi lượt cầu đã kết thúc thì không bị tính là vi phạm lỗi này.
Chạm vào cầu khi nó chưa qua lưới
- Đây được xem là lỗi gây nhiều tranh cãi nhất trong môn cầu lông. Người chơi không được phép đánh cầu khi nó chưa sang phần sân của mình, nếu không sẽ bị tính là phạm luật.
- Tuy nhiên, các trọng tài rất khó xác định được lỗi này vì tốc độ xảy ra rất nhanh, đôi khi cần đến sự hỗ trợ của các loại máy quay để tìm ra lỗi.
Khiến đối thủ mất tập trung
- Người chơi không được phép hát, hét hoặc làm những cử chỉ khiến đối thủ của họ mất tập trung. Bất kỳ hành động nào khiến đối thủ xao nhãng cũng được tính là vi phạm luật chơi cầu lông.
Xâm phạm phần sân của đối thủ
- Xâm phạm phần sân của đối thủ được hiểu đơn giản là việc bạn dùng vợt hoặc cơ thể băng qua sân của người khác. Tuy nhiên, nhiều người chơi đang hiểu sai về lỗi này. Bạn chỉ bị tính là phạm lỗi khi hành vi của bạn cản trở hoạt động của đối thủ mà thôi.
Cản trở đối thủ
- Bạn sẽ bị tính là phạm lỗi khi cản trở người chơi khác đánh lượt cầu hợp lệ tiếp theo của họ. Lỗi này thường xảy ra do vợt của một người chơi chạm vào vợt của đối thủ khi đang cố chặn cú đánh của họ.
Hành vi sai trái của người chơi
- Các hành vi sai trái của người chơi thường được định nghĩa là việc cố tình lặp đi lặp lại một lỗi sai (gây trì hoãn trận đấu, làm hỏng cầu) hoặc có những hành động thô bạo (xúc phạm, đe dọa, chửi mắng) với đối thủ hoặc trọng tài.
- Trong trường hợp nghiêm trọng, trọng tài có thể tước quyền thi đấu của người chơi và trao phần thắng cho đối thủ của họ. Vậy là chúng ta đã điểm qua một số lỗi mà người chơi cầu lông thường mắc phải.
Hình phạt khi phạm lỗi trong cầu lông
Sau khi tìm hiểu một số lỗi vi phạm luật cầu lông, nhiều người sẽ thắc mắc về các hình phạt khi phạm lỗi. Dưới đây là một số nội dung có liên quan đến các hình phạt vi phạm lỗi trong cầu lông bạn cần nắm:
- Trọng tài là người duy nhất được đưa ra mọi quyết định xử lý lỗi trong cầu lông theo đúng quy định của luật.
- Quyết định cảnh cáo hay xử phạt được trọng tài quyết định sẽ dựa theo mức độ vi phạm.
- Khi bạn nhận được 2 lần cảnh cáo từ trọng tài chính thì sẽ được quy đổi thành một lỗi vi phạm.
- Trường hợp bạn có quá nhiều lỗi nặng và lặp lại nhiều lần thì trọng tài chính sẽ báo cáo lên tổng trọng tài cầu lông để truất quyền thi đấu nếu xét thấy cần thiết.
Các loại thẻ phạt trong cầu lông
- Thẻ vàng: Được rút ra cho một tay vợt đơn hay cặp đôi như một cảnh báo cho vi phạm luật cầu lông. Một thẻ vàng chỉ có thể được rút ra một lần cho một cầu thủ hoặc cặp đôi trong một trận đấu, vi phạm tiếp theo bị xử phạt với một thẻ đỏ hoặc đen.
- Thẻ đỏ: Một thẻ đỏ được rút ra cho một tay vợt đơn hay cặp đôi để xử phạt vi phạm tiếp theo sau khi nhận thẻ vàng. Nó được tính như là lỗi, có nghĩa là bên đối phương được tặng thêm một điểm.
- Thẻ đen: Sau một thẻ đỏ thứ hai, một cầu thủ hoặc cặp đôi có thể bị loại với một thẻ màu đen nếu trọng tài chính báo cáo Tổng trọng tài và được Tổng trọng tài cho phép rút thẻ đen.
Các lỗi dẫn đến việc bị rút thẻ phạt trong cầu lông
Sau đây sẽ đưa ra những lỗi các bên nên tránh thẻ phạt :
- Trừ những khoảng cách định ra, nếu vận động viên ngừng trận đấu để lấy lại sức hoặc để nghe lời chỉ dẫn thì sẽ phạm luật.
- Ra khỏi sân mà không được trọng tài đồng ý.
- Cố tình làm trận đấu ngừng lại.
- Cố tình làm ảnh hưởng đến tốc độ của cầu.
- Có thái độ thô bạo.
- Phạm lỗi xấu, không được luật cầu lông cho phép.
Tìm kiếm
Tin tức liên quan