Giỏ hàng
0

Giỏ hàng

Hiện tại giỏ hàng của bạn đang trống

Quay lại trang chủ

Cách chọn vợt cầu lông có độ cứng phù hợp với người chơi

15 Tháng mười hai, 2023
1312

Có rất nhiều cách để lựa chọn vợt cầu lông cho người mới chơi như dựa vào thông số cây vợt, dựa vào lối chơi mà cây vợt hướng tới như tấn công, phòng thủ phản tạt hay công thủ toàn diện. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là bạn hiểu được bản thân mình, trình độ đến đâu, lực cổ tay thế nào sẽ chọn được những cây vợt phù hợp.

Thông thường người mới chơi cầu lông nên mua những cây vợt cầu lông nhẹ và dẻo sẽ giúp bạn dễ dàng xoay chuyển, linh hoạt trong từng cú đánh, khi bạn đã đánh tốt, tiến bộ dần thì có thể nâng cấp lên vợt nặng đầu hơn, thân cứng hơn.

Nếu bạn là người yêu thích lối chơi tấn công mạnh mẽ thì nên chọn cho mình cây vợt có điểm cân bằng cao (tức nặng đầu), thân vợt có trọng lượng nặng tương đối sẽ tối đa sức mạnh cho những cú đập cầu. Tất nhiên, những cây vợt này đòi hỏi bạn cần có lực cổ tay khỏe.

Bạn là người yêu thích lối chơi công thủ toàn diện thì nên chọn cho mình những cây vợt cầu lông cho người mới chơi cân bằng, thân vợt có độ dẻo nhất định sẽ trợ lực tốt cho chúng ta.

Còn nếu bạn là người yêu thích lối chơi phòng thủ, phản tạt thì nên chọn cho mình cây vợt nhẹ đầu, thân vợt có độ cứng sẽ giúp bạn đánh những pha cầu tốc độ, không bị hụt lực khi tiếp xúc cầu.

1. Độ cứng của thân vợt có vai trò như thế nào?

Độ cứng của vợt cũng là một yếu tố quan trọng trong việc chọn 1 cây vợt. Bạn có thể điều chỉnh trọng lượng cũng như điểm cân bằng của vợt sau khi mua về nhưng độ cứng là cố định và không thể thay đổi được. Vì thế chọn một cây vợt có độ cứng vừa với lực tay của bạn là điều vô cùng quan trọng.  Tuy nhiên, thân vợt cũng giống như tất cả các thiết bị khác cũng bị biến đổi theo thời gian. Điều này có nghĩa rằng, độ cứng của cây vợt sẽ giảm dần đến 1 mức độ nhất định.

Sau đây chúng tôi sẽ bạn biết được bạn phù hợp với loại thân vợt nào:

1.1 Thân vợt dẻo: Các đặc điểm của 1 cây vợt có thân dẻo như sau

  • Lực đẩy tốt: Các cây vợt có thân dẻo sẽ cung cấp lực đẩy rất tốt trong các pha cầu. Điều này là do trong khi đẩy cầu, thân vợt hơi bị uốn cong nhẹ về phía sau và tích lũy năng lượng trong đó, khi quả cầu tiếp xúc với mặt lưới, năng lượng đó sẽ truyền vào quả cầu. Vì vậy mà người chơi không cần phải dùng quá nhiều sức mạnh mỗi khi phông cầu.
  • Cài cầu: Ít chính xác: Do thân vợt dẻo và dễ uốn cong nên bạn sẽ thấy khó khăn mỗi khi cài cầu. Khi quả cầu tiếp xúc với mặt lưới, lực đẩy một mặt khiến cho quả cầu đi nhanh hơn nhưng một mặt cũng khiến cho phần đầu vợt rung nhiều hơn, dẫn đến sự  khó điều khiển hướng bay của cầu. Vì thế mà bạn khó kiểm soát điểm đến của pha cầu bạn đánh.

– Cây vợt này phù hợp với những người chơi thiên về phòng thủ. Họ thường phông cầu nhiều và bỏ nhỏ. Họ chỉ tấn công khi có cơ hội thật tốt. Chiến lược để giành chiến thắng của họ là buộc đối thủ của mình bộc lộ những kẽ hở qua các đường cầu dài. Với thân vợt dẻo, họ không phải lo lắng về việc phải mất nhiều sức trong lúc phông cầu và bỏ nhỏ. Thay vào đó, họ có thể tập trung vào trò chơi phòng thủ của mình. Vợt thân dẻo cũng phòng thủ rất tốt đối với những cú smash, đẩy cầu quay trở lại phía đối phương 1 cách dễ dàng hơn.

  • Trình độ: Người mới chơi: Vợt thân dẻo phù hợp với những người mới làm quen với bộ môn cầu lông. Khi đó bạn không cần mất quá nhiều sức để đánh cầu, việc đánh cầu từ vị trí cuối sân sang cuối sân bên kia cũng không còn là vấn đề gì to tát. Do không cần nhiều sức nên người chơi cũng không còn lo lắng về việc sẽ không đánh được cầu đi xa như mong muốn,thay vào đó họ có thể tập trung vào việc sử dụng đúng các kỹ thuật.
  • Những điểm bất lợi: Mặc dù 1 cây vợt thân dẻo có thể cung cấp thêm lực trong mỗi pha cầu song nó lại làm giảm tốc độ đối với những pha đỡ cầu. Khi quả cầu tiếp xúc vớt mặt lưới, trục thân vợt lúc đó sẽ uốn cong ra phía sau rồi lại cong về trước trước khi quả cầu được trả lại. Nói  1 cách khác, quả cầu sẽ tiếp xúc với mặt lưới lâu hơn trước khi nó được đẩy trả lại.

 

1.2 Thân vợt cứng: Những cây vợt thân cứng có đặc điểm như sau

  • Về lực đẩy: Thân vợt cứng sẽ rất ít hoặc gần như không phát ra lực đẩy. Quả cầu sau khi chạm vào mặt lưới sẽ ngay lập tức quay trở lại. Với đặc điểm như vậy, những pha cầu cũng kém mạnh hơn. Điều đó có nghĩa là người chơi phải sử dụng nhiều sức mạnh của mình để có thể tạo ra những pha cầu uy lực như mong muốn.
  • Cài cầu: Một cây vợt có thân cứng lại rất thích hợp với những pha cài cầu do khi đánh, thân vợt không uốn cong nhiều, quả cầu khi chạm vào mặt lưới sẽ không bị rung động và hướng đi của cầu theo đó cũng chính xác hơn.
  • Thích hợp cho: Lối đánh tấn công nhanh, những pha cầu nhiều kỹ xảo và đánh lưới.

Cầu lông là 1 trò chơi tốc độ. Vợt có thân dẻo cung cấp cho bạn sức mạnh nhưng lại thiếu tốc độ. Và bạn phải dồn sức nếu muốn tăng tốc cho pha cầu. Ngay lúc quả cầu chạm vào mặt lưới, nó sẽ nhanh chóng bay trở lại. Nếu thân vợt cứng bạn phải sử dụng nhiều lực cổ tay hơn là lực xoay của cánh tay. Lực cố tay tốt sẽ giúp cho đường cầu được dễ dàng hơn.

Các kỹ năng cầu lông nâng cao như tấn công nhanh (smash trên cao) và đánh lừa đối phương  đòi hỏi phải được thực hiện 1 cách nhanh chóng và thường phải sử dụng lực cổ tay.

Nhiều người chơi cầu lông hàng đầu hiện nay sử dụng vợt có thân cứng để tiếp thêm tốc độ cũng như sức mạnh cho pha cầu. Họ trả cầu rất nhanh khiến cho đối thủ chưa kịp sẵn sàng để phòng thủ.

  • Cấp độ: Dành cho người chơi trung bình khá trở lên. Cây vợt cứng thích hợp với những người chơi thường xuyên sủ dụng những kỹ năng nâng cao của môn cầu lông. Do vợt thân cứng không cung cấp nhiều lực đẩy nên bạn có thể khẳng định được sức mạnh của mình qua lực vung của cánh tay. Tôi không có ý nói rằng những người mới chơi không có khả năng tạo ra những pha cầu mạnh mẽ, nhưng vì vợt thân dẻo có thể tạo ra nguồn năng lượng do đó không đòi hỏi người chơi phải mất nhiều sức vào các pha cầu nên nó thích hợp với những người mới chơi hơn cả. Khi đó, họ có thể tập trung đánh cho tốt các kỹ thuật cơ bản hơn là tập trung vào việc tạo ra sức mạnh chóp hạ cầu.

Những người chơi mức độ trung bình hoặc khá đã quen thuộc và nhuần nhuyễn với các kỹ thuật cầu lông cơ bản, họ có thể xem xét để chuyển sang sử dụng 1 cây vợt thân cứng để thử các kỹ thuật nâng cao.

  • Nhược điểm: Người sử dụng vợt thân cứng đòi hỏi phải vung tay mạnh hơn hoặc có thể xoay cổ tay 1 cách nhanh chóng . Để nâng cao hiệu suất sử dụng tối đa đối với 1 cây vợt thân cứng, bạn cần phải có các kỹ thuật tốt, tiếp đó là sức mạnh. Khi sử dụng vợt thân cứng, sức mạnh tạo ra khi bạn vung vợt sẽ không được chuyển hoàn toàn lên quả cầu khi cầu chạm mặt lưới (không có lực đẩy). Ngoài ra, bạn cũng cần phải sử dụng nhiều lực cổ tay để tạo ra tốc độ và sức mạnh. Không giống như chuyển động vung của cánh tay, sức mạnh từ lực cổ tay sẽ được chuyển hoàn toàn lên quả cầu.

2. Các thông số liên quan

Ngoài độ cứng của vợt thì trọng lượng, điểm cân bằng, swing cũng là một trong những thông số quan trọng bạn cần cân nhắc để lựa chọn được vợt cầu lông phù hợp

Thông số vợt cầu lông – Số U

  • thể hiện trọng lượng của cây vợt, thông thường sẽ có 2U, 3U, 4U, 5U. Số U càng lớn thì trọng lượng càng nhẹ và ngược lại.
  • Đối với vợt 2U thường có trọng lượng từ 90-94g, 3U từ 85-89g, 4U từ 80-84g và 5U là những trọng lượng nhẹ hơn.
  • Phần lớn các VĐV chuyên nghiệp sẽ chọn những cây vợt có trọng lượng 2U hoặc 3U, các VĐV phong trào có trình độ cao thường chọn bản 3U, 4U và 5U sẽ cho những người mới chơi, người chơi có trình độ trung bình.

Thông số trọng lượng U khá quan trọng trong việc lựa chọn vợt cầu lông cho người mới chơi.

Điểm cân bằng của vợt hay còn gọi là độ nặng đầu

Đây là điểm nằm trên thân cây vợt và chính là vị trí giữa (trung tâm) của cây vợt. Điểm cân bằng được đo từ cán vợt tới điểm giúp cây vợt cân bằng. Một cây vợt cầu lông thường có 3 loại: Nhẹ đầu, cân bằng và nặng đầu. Chiều dài cơ bản của 1 cây vợt là 675mm do vậy vợt được gọi là

  • Nhẹ đầu là vợt có điểm cân bằng : 285mm trở xuống (285+- 5mm)
  • Cân bằng : 290+-5mm
  • Nặng đầu : 295 mm trở lên (295+-5mm)
  • Vợt nhẹ đầu:  khả năng linh hoạt và điều cầu càng cao nhưng hạn chế ở khả năng tấn công không được uy lực.
  • Vợt cân bằng: Vượt trội trong khả năng điều cầu và trên lưới. Tấn công cũng tương đối tốt điển hình trong dạng vợt cân bằng chính là dòng Arcsaber của Yonex.
  • Vợt nặng đầu: Đây là điển hình cho dòng vợt tấn công uy lực.  Vợt càng nặng đầu thì khả năng tấn công càng tốt đòi hỏi theo nó phải là độ cứng của vợt. Nhưng ngược lại thì nó cho khả năng linh hoạt kém hơn.

Điểm Swing ( Swing Weight ) 

Đó là đơn vị đo “Trọng lượng xoay – Trọng lượng khi vung vợt” sẽ giúp chúng ta biết được là vợt cầu lông cảm giác nặng hay nhẹ khi nó chuyển động.

– Có một số phương pháp tự thực hiện để xác định trọng lượng xoay, nhưng cách chính xác nhất là kiểm tra vợt trên máy trọng lượng xoay. Bạn kẹp tay cầm vào máy, đẩy khung và để máy lắc lư. Máy sẽ cung cấp cho bạn một con số (kg/cm2) cho biết cần bao nhiêu năng lượng để di chuyển vợt cầu lông qua cung tròn. Con số này càng cao, trọng lượng vung vợt càng cao.

+ Trọng lượng tĩnh của vợt càng nặng thì trọng lượng xoay cao, trọng lượng tĩnh vợt nhẹ thì trọng lượng xoay thấp.
+ Cây vợt càng dài thì trọng lượng xoay cao, cây vợt càng ngắn thì trọng lượng xoay thấp hơn.
+ Điểm cân bằng của vợt càng cao (carbon dồn về đầu vợt nhiều) thì trọng lượng xoay cao, và ngược lại. chiều dài tổng thể của vợt dưới 675mm thì trọng lượng xoay sẽ thấp.

Nhìn chung điểm swing càng cao thì công càng đầm nhưng tốn sức hơn và ngược lại

Chiều dài vợt cầu lông

Được các nhà sản xuất ghi ở phần thân vợt. Độ dài tiêu chuẩn của vợt cầu lông từ cả trăm năm nay là 665 mm; hơn thập kỷ qua, để nâng thêm ưu thế tấn công, người ta sản xuất ra các loại vợt dài hơn (nhưng không vượt quá 680 mm là tiêu chuẩn cho phép).

Ngày càng có nhiều loại vợt được ghi “long” hoặc “longsize”, với chiều dài khoảng 675 mm. Trong các hãng sản xuất thì Carlton là trung thành với việc làm ra vợt 665 mm; hầu hết các chủng loại của Yonex dài 675 mm, Gosen còn nhích thêm một chút (678 mm). Các hãng khác như Flypower, Astec, ProAce, Caslon, Victor nay cũng có các loại vợt có chiều dài xê xích để bạn dễ chọn. Vợt ngắn hay dài là tùy thích, nhưng nên cân nhắc kĩ trước khi mua cái thứ hai (để dự trữ), sao cho vợt sử dụng thường ngày nên cùng một độ dài, đỡ lúng túng khi thay đổi.

 

Thông số G – Chu vi cán vợt

  • Thông số vợt cầu lông – Số G thể hiện độ to của cán cầm, thường sẽ có G2, G3, G4, G5. Số càng to thì cán cầm càng nhỏ và ngược lại.
  • Thông thường vợt cầu lông cho người chơi phong trào và chuyên nghiệp thường dùng loại cán G3, G4, G5.

3. Lối chơi của bạn và độ cứng vợt cầu lông phù hợp

Xác định được lối chơi của bạn là điều vô cùng quan trọng. Nếu bạn lựa chọn 1 cây vợt rất tốt công nghệ rất nhiều nhưng nó không hợp với lối chơi của bạn. Các điểm mạnh của nó bạn đều không sử dụng tới thì đó lại là một cây vợt rất tệ với bạn. Vì vậy hãy xác định lối chơi của mình một cách nghiêm túc.

3.1 Tấn công uy lực dòn ép đối phương

  • Nếu như bạn thích lối đánh như vậy đòi hỏi bạn phải có 1 thể lực dồi dào, vì vậy bạn hãy chọn 1 cây vợt cứng, nặng đầu, mặt vợt vừa phải không quá to. Điển hình trong lối chơi này có 2 dòng vợt nổi tiếng đó là Voltric của Yonex và Thruster (TK) của Victor.

3.2 Lối chơi điều cầu phản tạt

  • Những người có lối chơi  thiên hướng kỹ thuật, muốn đưa cầu đi khắp sân bắt đối phương di chuyển để hở điểm yếu rồi dứt điểm. Lối chơi này đòi hỏi bạn có kỹ thuật tốt, óc quan sát tốt. Lối chơi này không đòi hỏi thể lực dồi dào. Bất cứ ai cũng có thể lựa chọn lối chơi này vì vậy tùy thể lực mà bạn chọn 1 cây vợt có độ cứng từ trung bình đến cứng, hay trọng lượng vợt tùy thuộc vào thể lực của mình. Mặt vợt rộng 1 chút để điểm sweet spot lớn dễ dàng điều khiển cầu. Vợt có điểm cân bằng ở mức 290+-5mm. Điển hình trong dòng này là Arcsaber của Yonex hay Metter X của Victor.

3.3 Phòng thủ chủ động, phản công nhanh

  • Nếu bạn chơi theo lối chơi này thì bạn nên chọn 1 cây vợt có mặt vợt từ trung bình tới lớn. Độ cứng ở mức vừa phải không quá cứng, điểm cân bằng càng thấp càng tốt (từ nhẹ đầu tới cân bằng). Trọng lượng vợt càng nhẹ thì bạn càng dễ xoay sở vì vậy mà tùy thể lực mà chọn một cây vợt ưng ý.

3.4 Tấn công nhanh, phản tạt đẩy cầu

  • Đây có thể nói là lối chơi hiện đại mà rất nhiều VDV đang sử dụng. Lối chơi này đòi hỏi 1 cây vợt khá toàn diện từ tấn công tới khả năng phản tạt tốt. Với lối chơi này cây vợt tốt nhất là có độ cứng từ trung bình tới cứng, mặt vợt nhỏ 1 chút. Vợt có điểm cân bằng trên mức cân bằng 1 chút (295mm trở lên).

3.5 Bắt lưới, bỏ nhỏ, gài cầu

  • Đây là lối chơi của những người chuyên bám lưới đa số là nữ giới. Lối chơi này đòi hỏi sự khéo léo nhiều hơn sức mạnh. Với lối chơi này bạn cần 1 cây vợt không quá cứng, điểm cân bằng từ nhẹ đầu tới cân bằng, mặt vợt rộng.

Bình luận

Mời bạn Đăng nhập hoặc Đăng ký để bình luận về sản phẩm này.